Chú Giải Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XIX Mùa Thường Niên (Mt 19,13-15) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BẢY TUẦN XIX MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mt 19,13-15

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Ga 24, 14-29

Hôm nay, chúng ta đọc phần tiếp theo của cuộc đại hội tại Sikem. Một Giao ước mới sắp được cử hành.

Giosuê nói với dân chúng rằng: "Giờ đây các ngươi hãy kính sợ Chúa và tôn thờ Người với tâm hồn thiện hảo và chân thành. hãy loại bỏ những điều cha ông các ngươi đã tôn thờ trong xứ Mêsôphôtania và ở Ai Cập mà tôn thờ Chúa.

Trước hết không phải một nghi lễ. Đây là một sự cam kết.

Còn nếu các ngươi không muốn tôn thờ Thiên Chúa thì hôm nay các ngươi hãy tùy ý chọn phải tôn thờ ai hơn.

Bạn quyết định theo hay chống lại Thiên Chúa?

Như thế, chúng ta chú ý rằng đức tin của chúng ta là một sự quyết định, một chọn lựa tận căn...? Một lưỡng luận nghiêm ngặt: hoặc là... hoặc là

Ở đây Giosuê nhấn mạnh sự tự do chọn lựa.

Cả thế giới tân tiến của chúng ta cũng đặt lại giá trị việc đức tin chỉ có thể được tự do chọn lựa: nghĩa là ngày càng ít một gia sản mà người ta nhận lãnh như nó có vậy, mà không chú ý tới. Tin vào Chúa Giêsu sẽ càng ngày là một quyết định mà người ta có thể được sau khi đã thử sống không có Người. Là tín hữu sẽ là ngày càng "sống với Chúa”, trong khi biết rõ việc "sống không có Chúa" sẽ có nghĩa gì.

Hãy chọn lựa để thành "tín hữu" hay một "người vô thần”, với cả sự hiểu biết về nguyên do.

Phần tôi, và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa.

Khi đề ra một sự chọn lựa rõ rệt, Giosuê không trung lập. Chính ông thực hiện một sự chọn lựa. Người ta không “buông trôi"... để mỗi người theo thị hiếu của mình... mọi tôn giáo đều tốt…

Dân trả lời rằng: "Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại. Chính người đã dẫn chúng tôi và cha ông chúng tôi ra khỏi nhà Ai Cập, khỏi nhà nô lệ... chính Người là Thiên Chúa chúng tôi”.

Đức tin dựa trên một kinh nghiệm, Israel ghi nhớ mãi.

Đức tin của chúng ta cũng phải dựa trên các biến cố lịch sử.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con củng cố sự gắn bó của chúng con với Chúa, bằng sự ghi nhớ mọi ơn lành đánh dấu cuộc đời chúng con. Mỗi lần cử hành Thánh Thể là một sự tưởng niệm quá khứ: Lạy Chúa, chúng con nhắc nhớ cái chết Phục sinh của Chúa... Trong niềm hy vọng hướng về tương lai và chúng con mong đợi Chúa đến…

Giosuê liền bảo: “Vậy thì hãy loại bỏ những thần ngoại ra khỏi các ngươi và hướng lòng về Chúa là Thiên Chúa các ngươi ”.

Đức tin không chỉ là nhột sự tán đồng của trí óc đối với những điểm về giáo thuyết. Đây là một thái độ tích cực đặt trọn con người vào việc: việc từ bỏ các ngẫu thần và các giả tạo con người tự mặc cho mình để gắn bó với Thiên Chúa chân thật và tuyệt đối độc nhất.

Hôm ấy, Giosuê lập Giao ước ấn định qui chế và luật lệ cho dân ở Sikem. Giosuê ghi chép các lỗi đó vào sách luật của Chúa, rồi lấy một tảng đá thật lớn và dựng lên dưới cây sồi ở trong nơi thánh của Chúa và nói với toàn dân rằng: "Đây tảng đá này sẽ làm chứng cho các ngươi kẻo sau này các ngươi chối bỏ và lừa dối Chúa và Thiên Chúa các ngươi”.

Con người cần các biểu tượng. Họ dựng một bia đá, như chứng tích của sự đoàn kết vững bền. Họ quyết định trung thành hay chống lại tất cả.

Và dầu vậy, chúng ta biết sự mỏng dòn của họ: Israel sẽ không ngừng chất đầy bất trung này trên bất trung nọ: Họ sẽ phủ cậy nhờ ơn thứ tha của Thiên Chúa.

Bài đọc II: Ed 18, 1-10. 13. 30-32

Sấm của Giavê đến với tôi rằng: “Tại sao các ngươi cứ lặp đi lặp lại cậu tục ngữ này trong khắp xứ Israel: ông cha ăn nho xanh, con cháu bị ghê răng”.

Trong các tai họa tập thể, người ta thường thích nhấn mạnh đến việc người vô tội xem ra bị phạt thay cho các thủ phạm thì bất công biết bao.

Dân tộc Israel, cũng như các dân lân bang thời ấy, các dân tộc ngày nay, có một ý thức mạnh về tình liên đới: các lỗi lầm của môi trường tôi sống cũng là các lỗi lầm của tôi... mỗi lỗi lầm của tôi cũng làm tăng thêm sự ô nhiễm cho môi trường.

Êdêkien biết được điều ấy cũng có phần đúng. Suy nghĩ của ông sẽ làm cho lương tâm nhân loại tiến lên một bước phi thường, đó là ý thức được trách nhiệm cá nhân.

Quả thật Ta đang sống sấm của Đức Giavê từ nay các ngươi đừng lặp lại câu ngạn ngữ này nữa. Vì tất cả các mạng sống thuộc về Ta, mạng cha cũng như mạng con. Kẻ nào phạm tội kẻ ấy phải chết.

Chúng ta phải cởi bỏ tâm trạng ấu trĩ về thuyết định mệnh. Chúng ta không thể trút xuống trên kẻ khác điều xảy đến cho ta.

Nhấn mạnh đến "tính tập thể” chỉ là cách giả trang để biện hộ cho sự vô trách nhiệm.

Vả lại không thích thú gì khi bị đánh giá là người "vô trách nhiệm".

Lạy Chúa, xin ban cho con tinh thần trách nhiệm.

Ai là người công chính, biết giữ luật pháp và giữ đức công bình... là kẻ không hướng mắt về các ngẫu tượng... Không xúc phạm vợ người thân cận... Không áp bức ai, không cướp của người... Cho kẻ đói ăn và áo mặc cho kẻ trần truồng... Không cho vay ăn lời, không đặt nặng lãi... Xử án phân minh giữa người với nhau… Đi theo luật điều của Ta, giữ lấy và thi hành phán quyết của Ta. Người như vậy là kẻ ngay chính thật.

Đọc lại danh sách này để áp dụng cho mình, không phải là điều vô ích.

Điều Thiên Chúa muốn là con người đứng vững, con người sống động, con người "ngay chính”.

Vì thế sấm của Giavê- Ta sẽ xét xử mỗi người theo hạnh kiểm các ngươi.

Điều ấy thật là quan trọng.

Trút gánh nặng trên người khác, dễ làm lắm: "đó là lỗi của ông nào, lỗi của chế độ, lỗi của xã hội”. Cần gì phải hối hận, nếu trước sau rồi cũng phải chịu những hậu quả do lỗi lầm kẻ khác gây nên!

Hãy trở lại với Ta, hãy xa bỏ tội lỗi các ngươi. Các ngươi hãy tạo nên cho mình một quả tim mới và một thần khí mới.

Có thể thực hành được tất cả, điều đó, nếu trước tiên chúng ta biết nhận chịu trách nhiệm của mình.

Lạy Chúa, xin ban cho con một quả tim mới.

Trong một thế giới, càng ngày chúng ta càng hướng tới đời sống tập thể, sẽ cần có những "nhân vật" giá trị, biết đứng vững trước những trào lưu vô trách nhiệm.

Chúng ta không thể thoái thác tình liên đới ràng buộc chúng ta.

Chúng ta không thể để mình bị lôi cuốn như những cọng rơm trước làn gió.

Ta không muốn người nào phải chết: các ngươi hãy hối cải và hãy sống.

Hãy sống! Hãy sống!

BÀI TIN MỪNG: Mt 19, 13-15

Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện.

Tôi hình dung ra quang cảnh trên: các bà mẹ đang dẫn con thơ của mình đến... Đức Giêsu đặt tay trên má, vừa vuốt ve vừa cầu nguyện cho chúng... Trẻ em, đứa mỉm cười, đứa sợ hãi. Qua cử chỉ yêu thương đó, ơn Chúa đang đến.

Đức Giêsu yêu mến trẻ em.

Nhưng các môn đệ la rầy chúng.

Trong quan niệm Do Thái, cho dù trẻ em là một phúc lộc nhưng chính thức nó chưa được coi như có giá trị gì. Bước vào tuổi niên thiếu, lúc mười hai tuổi, tuổi theo quy định được hội đường, nó mới được coi là đáng kể.

Đó là não trạng phổ biến, nên chính các tông đồ cũng thích quát mánh “tụi nhóc!” Đức Giêsu không chấp nhận ý kiến đó. Đối với người, một trẻ nhỏ, cũng đáng kể, vì đó là một con người.

Nhưng Đức Giêsu nói: " Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì những ai giống như chúng mới được vào nước Trời”.

Rất sớm, các Kitô hữu tiên khởi đã giải thích lời nói trên, như một lập trường của chính Đức Giêsu ủng hộ việc các trẻ nhỏ lãnh chịu Bí tích Thanh Tẩy.

hiện nay, đó là vấn nạn lại bắt đầu được nêu lên. Đó không phải là không có lý do, bởi vì người ta nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “lòng tin " khi đón nhận các Bí tích... Vì một số cha mẹ nhận ra rằng, họ chưa có đủ Đức tin để giáo dục con cái họ bước vào nếp sống tối thiểu của Giáo hội, nhờ đó chúng được nuôi dưỡng... Thế là họ nói, hãy để cho trẻ sau này tự quyết định khi nó khôn lớn.

Dù đôi khi thái độ đó giúp ta nên thận trọng, nhưng không được quên bỏ câu nói của Đức Giêsu trong Tin Mừng. Nại cớ tôn trọng "tự do khi trẻ lớn khôn”, nhưng thực sự lại không xảy ra trường hợp, người ta thường tác động mạnh trên tự do của trẻ nhỏ nghịch chiều hướng của chúng, khi cấm trẻ nhỏ không được thi hành một số việc đạo đức mà chúng ước muốn trong lương tâm thơ nhỏ sao? Những khám phá mới đây về tâm lý học phù hợp với hướng của Đức Giêsu, khi tiết

Lộ “những năm đầu tiên": rất quan trọng trong việc định hướng cả một đời người!

Những ai giống như chúng mới được vào Nước Trời.

Đức Giêsu đưa con trẻ ra làm gương mẫu cho những kẻ vị vọng.

Trước tiên, trong ý hướng đó, ta không có quyền tùy tiện loại trừ trẻ thơ ra khỏi Nước mầu nhiệm của Chúa Cha, mà chắc chắn chúng còn dễ được tiếp nhận hơn chúng ta. Rồi, cũng theo ý hướng đó, không có gì đối nghịch với nước Thiên Chúa hơn là thái độ tự mãn, cao ngạo và ưa lý sự của một số người lớn, thường muốn đánh giá mọi sự theo tiêu chuẩn của tinh thần riêng họ. Họ coi mình là trung tâm vũ trụ. Quan niệm của họ là duy nhất đúng. Là những người nghèo khổ họ chỉ tin những gì họ hiểu.

Đức Giêsu tạ ơn Chúa Cha đã giấu mầu nhiệm Thiên Chúa đối với “hạng người hiền triết và thông giỏi”, mà lại mạc khải cho những “kẻ bé mọn" (Mt 11,25). Chắc chắn vì thế, mà ta cần phải đón nhận lời mời gọi trên, để chấp nhận một “tinh thần thơ trẻ”.

Trẻ nhỏ tự nhiên dễ được đón nhận bước vào mầu nhiệm. Thế giới càng tiến về kỹ thuật, toán học, khoa học và kế hoạch… thì lời của Đức Giêsu càng trở nên hiện thực, càng ngày càng cần phải giữ cho tâm hồn mình một góc tuổi thơ, một chút thi vị, một khoảng ngây thơ và tươi mát, một góc diệu kỳ.

Chắc chắn, ở đây không nhằm biện hộ để ta cứ sống mãi những trò trẻ con.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tinh thần thơ trẻ đích thực.

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Đức Giê Su và trẻ em.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Theo truyền thống xã hội của Do Thái thời Chúa Giê-su, những ai chưa kết hôn thì chưa hoàn toàn là một người trưởng thành, vì thế bị coi rẻ trong xã hội. Câu chuyện Chúa Giê-su thương trẻ nhỏ được kể tiếp với câu chuyện về hôn nhân để nói rằng Chúa Giê-su tôn trọng và yêu thương hết mọi người, kể cà trẻ nhỏ theo thể lý và kẻ bé mọn về tinh thần như nghèo khó dốt nát, tội lỗi….

Chi tiết này giúp cho người Tông Đồ biết quan tâm đến hết mọi người, và không bỏ rơi một hạng người nào trong xã hội, trong môi trường sống.

2. “Đặt tay” là một nghi thức thường dùng để được chữa bệnh hay tấn phong; còn trong trường hợp này,đây là cử chỉ chúc phúc xin ơn Chúa che chở trên một kẻ nào đó. Người ta đem trẻ nhỏ đến xin Chúa đặt tay trên chúng là để cầu xin ơn che chở cho trẻ nhỏ, là những kẻ cần được bảo vệ chăm sóc. Giáo dân thường đến xin linh mục chúc lành là họ tin tưởng Chúa hiện diện nơi linh mục. Những ai càng gần Chúa thì càng có thế giá để cầu xin phúc lành của Thiên-Chúa.

3. Việc “đặt tay” được dùng để mở đầu và kết thúc đoạn Tin-Mừng này có thể giúp chúng ta nhận ra rằng càng gần Chúa, nghĩa là càng sống nên giống Chúa thì càng đáng được Chúa chúc phúc.

4. Câu chuyện trong đoạn Tin-Mừng này cho thấy thái độ của Chúa Giê-su đối nghịch hẳn với thái độ của các môn đệ đối với trẻ nhỏ:

- Các môn đệ biểu lộ sự khắt khe: theo tính cách con người, chúng ta cũng thường có thái độ khắt khe đối những kẻ bé mọn: nghèo, dốt, xấu xa, tội lỗi…

- Chúa Giê-su lại có thái độ dễ dàng; điều này cho thấy đối với trẻ em thì người vẫn cứ là sứ giả của Thiên-Chúa sai đến. Và như vậy đối tượng tình thương và ơn cứu độ của Chúa không phân biệt một ai, và như vậy làm việc Tông Đồ không được dựa vào tình cảm thích hay không thích, nhưng là vì nhu cầu phần rỗi của tha nhân mà thôi.

5. “Nước-Trời thuộc những ai giống như chúng”:

 Chúa Giê-su muốn nêu cao tính lệ thuộc của trẻ em đối với cha mẹ, để nêu gương cho những ai biết sống khiêm nhường, để hoàn toàn trông cậy vào Chúa và biết sống đơn sơ, để luôn luôn gắn bó với Chúa. đó là con đường bảo đảm vào Nước-Trời.

6. Khi đón nhận những trẻ nhỏ, Chúa Giê-su muốn liên kết và lưu tâm đến những kẻ bị khinh chê và bị bỏ rơi. Ta hãy học với Chúa: quan tâm và tôn trọng đối với những người yếu đuối, nghèo khó và bị xã hội bạc đãi. Họ là những người được Chúa yêu thương, vì là những chi thể đau yêu của nhiệm thể Chúa. họ là hiện thân của chính Chúa (Mt 25,40).

Hội Thánh ở giữa trần gian lưu tâm đến những hạng người bé nhỏ này qua những công tác từ thiện, bác ái, qua những việc phục vụ kẻ mồ côi, thiếu niên bị bạc đãi, những cô gái hoàn lương cũng như những viện dưỡng lão…bạn có nhạy cảm biết quan tâm đến những kẻ bé mọn đang sống chung quanh bạn không?

7. Hội Thánh cổ động rửa tội cho trẻ em, đã dựa vào lời Chúa nói: ‘cứ để trẻ em đến với Thầy”.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.